Ngọt bùi hương vị bưởi da xanh nơi chiến khu Đ
Gian khó ngày đầu làm kinh tế trang trại
Khi nói đến mô hình kinh tế trang trại điển hình ở tỉnh Bình Dương, hầu như ai cũng biết đến trang trại tổng hợp của cựu chiến binh Đoàn Minh Chiến có quy mô hơn 50 ha tại xã Bình Mỹ và Tân Định, huyện bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Năm 1984, khi còn tại ngũ, ông đã bắt đầu làm trang trại, vừa làm kinh tế phụ cho gia đình, vừa góp phần xây dựng mô hình phát triển kinh tế trang trại nông nghiệp cho quê hương Bình Dương.

Bưởi da xanh ruột hồng là cây trồng cho giá trị kinh tế cao của trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến tại ấp Vườn Ươm, xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Đã quen với những gian khổ, thử thách, nghiệt ngã trong chiến đấu nơi chiến trường, ông Đoàn Minh Chiến không tìm kiếm những vị trí đất đai màu mỡ, tiện đường đi lại, mà vào tận vùng đồi sâu ở xã Bình Mỹ, huyện Tân Uyên (Chiến khu Đ) để khai phá làm trang trại. Khi ấy, đây là một vùng đồi hoang do ảnh hưởng bởi bom đạn và chất khai quang của Mỹ từ thời chiến tranh, nên bom đạn chưa nổ hết mà vẫn còn ẩn khuất đâu đó.
Lúc đó, ngoài lòng nhiệt huyết, ông Chiến gần như không hề có gì trong tay, từ vốn liếng cho tới kinh nghiệm làm trang trại. Đã thế, ông lại khá bận công việc quân ngũ (ông là Phó Sư đoàn 477 – Quân khu 7). Dù vậy, với lòng quyết tâm của một người lính, cứ đến ngày cuối tuần, ông Chiến không hề nghỉ ngơi mà lên Bình Mỹ, vừa rà phá, thu gom bom đạn, vừa cặm cụi khai phá vùng đồi hoang đầy sỏi đá.
Ông Chiến, tâm sự: “Đó là quãng thời gian vất vả nhất vì cứ sáng sớm chủ nhật, tôi lại từ nhà ở TP Hồ Chí Minh chạy xe máy mấy chục cây số lên xã Bình Mỹ để khai hoang. Đến chiều tối lại chạy xe máy về nhà để sáng sớm hôm sau lên đơn vị đóng quân ở huyện Phú Giáo – Bình Dương”.
Đất cứng đến mấy cũng phải chào thua nỗ lực của con người. Do không có vốn liếng, khai phá đất đến đâu, ông cho trồng điều tới đó, bởi đây là loại cây không tốn nhiều công sức, chi phí đầu tư ít. Lợi nhuận từ cây điều không cao, nhưng nhờ được trồng trên một vùng đồi khá rộng, nên cây điều đã giúp ông Chiến tích lũy được vốn liếng để chuyển sang trồng loại cây có chi phí đầu tư cao hơn nhưng lợi nhuận cũng lớn hơn nhiều, đó là cây cao su.
Với phương châm “làm từ ít đến nhiều, từ nhỏ đến lớn, từ thủ công đến cơ giới hóa, lấy ngắn nuôi dài, làm đâu chắc đó”, sau 7 năm trời miệt mài khai phá, ông Chiến đã biến vùng đồi hoang ở Bình Mỹ thành một khu trang trại trù phú rộng hơn 20 ha, với cao su là cây trồng chủ lực.
Ông Chiến, tâm sự: “Khi bắt tay vào xây dựng trang trại, tôi đối mặt với muôn vàn khó khăn như thiếu phương tiện, công cụ sản xuất thô sơ, chủ yế u làm bằng tay, mất rất nhiều thời gian và công sức, phải tự tìm tòi, học hỏi các mô hình, cách thức từ những tài liệu trong và ngoài nước”.

Bưởi da xanh sau khi thu hái được đóng gói cẩn thận trước khi tiêu thụ trên thị trường.
Ngoài ra ông phải lặn lội đi khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Tây Nguyên cũng như ra tận các tỉnh phía Bắc để tìm hiểu mô hình kinh tế nào hiệu quả và có thể áp dụng cho trang trại của mình ở vùng đất Chiến khu Đ.
Từ những ngày đầu “vất vả” khai hoang, trong quá trình làm với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, từ trồng lúa, trồng đậu để có nguồn thu trước mắt, kết hợp với trồng cây điều và cao su, giờ đây ông Chiến đã xây dựng được trang trại điển hình, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động với mức lương bình quân từ 3,5 – 5 triệu đồng/tháng; đóng góp thiết thực vào phát triển mô hình kinh tế trang trại ở tỉnh Bình Dương. Do đó, ông Đoàn Minh Chiến đã được tặng thưởng Huân chương Lao động và nhiều bằng khen, giấy khen của các cơ quan ban nghành.
Làm giàu từ trồng bưởi da xanh ruột hồng
Có nguồn gốc từ tỉnh Bến Tre, bưởi da xanh được mệnh danh là vua của các loại bưởi, điều này được đúc kết bởi rất nhiều yếu tố, như: Lịch sử xuất thân cây bưởi, giá trị ẩm thực của trái bưởi, giá trị xuất khẩu…Qua tìm hiểu và học tập phương pháp trồng, chăm sóc, năm 2000 ông Đoàn Minh Chiến quyết định đưa bưởi da xanh ruột hồng về trồng tại trang trại của mình.

Cựu chiến binh Đoàn Minh Chiến bên vườn bưởi da xanh giúp ông làm giàu cho kinh tế gia đình.
Theo thời gian với sự chăm sóc và tìm hiểu kỹ đặc tính của giống bưởi da xanh ruột hồng, đến năm 20006 những trái bưởi da xanh đầu tiên đã kết trái ngọt và cho ông Chiến thu nhập với giá trị kinh tế cao đến bất ngờ.
“Một ha bưởi da xanh cho thu nhập bằng 15 – 20 lần cao su, bình quân là 1,5 tỷ đồng/1ha, sau khi trừ hết các chi phí, cho lãi tới 700 triệu đồng/ha. Đến nay, giá trị của bưởi da xanh ruột hồng đã không còn phải bàn cãi, giá trị kinh tế của loài bưởi này so với các loại cây ăn trái khác đã được khẳng định”, ông Đoàn Minh Chiến, cho biết.
Ông Chiến được xem là người trồng bưởi da xanh thành công nhất tỉnh Bình Dương. “Dù khó nhọc nhưng tôi luôn quyết tâm đeo bám vườn bưởi, chăm sóc chu đáo. Từ năm 2006 cho đến nay, vườn bưởi da xanh bắt đầu cho trái và cứ năm sau thì trái nhiều hơn năm trước”, ông Chiến, tâm sự.
Suy nghĩ tìm hướng làm giàu, đồng thời nâng cao giá trị bưởi da xanh, năm 2014 ông Chiến quyết định trồng và chăm sóc theo quy trình Viet Gap, đến năm 2017 với 15ha đã hoàn tất, trong đó 7 ha cho thu hoạch từ năm 2015 và 8 ha còn lại đang trong quá trình chăm sóc. Dự định sang năm 2018 sẽ tăng thêm diện tích bưởi da xanh theo quy trình Viet Gap nhằm tăng sản lượng, đáp ứng cho nhu cầu thị trường.
Chia sẻ kinh nghiệp trồng bưởi da xanh ruột hồng với cộng đồng xã hội
Là người đầu tiên đem cây bưởi da xanh về trồng thành công và có thu nhập tiền tỷ mỗi năm ở tỉnh Bình Dương, nhưng ông Chiến không giấu nghề để “ăn một mình” mà trái lại ông vận động người dân xung quanh chuyển đổi cây trồng để cùng nhau làm giàu.
Bà con nào còn nghi ngờ về hiệu quả của bưởi da xanh, ông Chiến liền dẫn về vườn nhà mình cho xem tận mắt “người thật, việc thật” với những khu vườn trồng bưởi da xanh được quy hoạch rất bài bản, khoa học. Sau đó, ông Chiến vừa hỗ trợ cây giống, vừa tận tình chỉ dẫn về kỹ thuật chăm sóc, đồng thời giới thiệu thương lái đến thu mua khi bưởi ra xanh được thu hoạch.

. Mọi người gọi Cựu chiến binh Đoàn Minh Chiến là “Vua bưởi da xanh ruột hồng vùng Đông Nam Bộ”.
Ông Trân Văn Thanh (chủ trang trại Thanh Thủy ở xã Long Uyên, huyện Bàu Bàng, Bình Dương), bộc bạch: “Trước đây, tôi trồng bưởi Năm Roi rồi trồng nhãn cũng như nhiều lài cây ăn trái khác, nhưng không khá được bởi năm nào trúng mùa thì mất giá. Thấy ông Chiến làm giàu từ trồng bưởi da xanh, nên tôi học hỏi rồi quyết định chuyển 2,5 công đất sang trồng bưởi da xanh. Năm vừa qua, vườn bưởi 5 năm tuổi cho trái rất sai lại bán được giá cao nên gia đình tôi thu nhập được gần 1 tỷ đồng”.
Từ thành công của ông Thanh, những vừa năm qua các trang trại tại tỉnh Bình Dương đồng loạt chuyển đổi các loại cây kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh.
Đến nay, toàn tỉnh Bình Dương đã phát triển được hàng trăm ha và kế hoạch nâng lên hơn một ngàn ha bưởi da xanh vào năm 2020, nhằm không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa mà hướng tới xuất khẩu, bởi chuyên gia nhiều nước châu Á, châu Âu sau khi tìm hiểu và thưởng thức đã rất “mê” bưởi da xanh ruột hồng, bởi hương vị thơm ngon, nên đã đặt vấn đề thu mua.
Với kinh nghiệm trồng bưởi da xanh nhiều năm, mô hình kinh tế trang trại của cựu chiến binh Đoàn Minh Chiến thật sự là một điểm sáng nơi chiến khu Đ năm nào. “Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng vùng chuyên canh bưởi da xanh có diện tích lớn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu để cùng nhau làm giàu”, ông Chiến, nhấn mạnh.
Đạm Quang Lê – Thoivietbao.vn